Từ chiều qua, Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú ở Cụm công nghiệp Phong Phú (TP Thủ Đức) bố trí cho hơn 1.000 công nhân ăn ở tại nhà máy. Điều này khiến quy mô sản xuất của nhà máy giảm xuống một nửa. Trước mắt công ty sẽ dồn chuyền, ưu tiên cho các đơn hàng gấp, cần phải xuất sớm.
"Chúng tôi chỉ có hơn một ngày để chuẩn bị phương án '3 tại chỗ' kể từ khi nhận được thông báo của chính quyền", bà Nguyễn Thị Liên, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú, nói.
Theo bà Liên, việc đầu tiên nhà máy vận động công nhân sắp xếp chuyện gia đình vào nhà máy sinh sống ít nhất 10 ngày tới. Ban hậu cần dọn dẹp tòa nhà văn phòng, các khu vực còn trống làm nơi ở tạm. Chăn, màn, giường xếp được đặt mua, đưa đến trong ngày. Nhà ăn tăng năng lực phục vụ lên gấp đôi. Sáng nay, tất cả công nhân được xét nghiệm đảm bảo không đưa mầm bệnh vào nhà máy.
"Mọi việc gần như đã xong, từ tối nay tất cả người lao động sẽ ở lại nhà máy", bà Liên nói và cho biết thêm mỗi công nhân ở lại được hỗ trợ từ 700.000 đồng đến một triệu đồng.
Tương tự, từ tối nay Công ty cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng sẽ áp dụng chế độ ăn nghỉ tại nơi làm việc cho 1.200 người lao động ở trụ sở chính ở quận Tân Bình, hai xưởng sản xuất ở huyện Bình Chánh. Một số người có thể làm việc từ xa, công nhân trực tiếp sản xuất nhưng không sắp xếp được việc gia đình tạm thời ở nhà.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch công đoàn công ty cho hay phương án "vừa sản xuất vừa cách ly" đã được một nhà máy ở Khu công nghiệp An Hạ (huyện Bình Chánh) thực hiện từ trước đó một tuần khi nhận thấy diễn biến dịch phức tạp.
Theo đó, toàn bộ khu văn phòng, sàn nhà xưởng rộng 1.000 m2 còn trống được dùng làm nơi ngủ nghỉ cho gần 600 công nhân. Ngoài mua sắm đầy đủ vật dụng sinh hoạt thiết yếu, nhà máy còn trữ một lượng lớn thực phẩm khô như mì tôm, trứng, xúc xích, vitamin C, trái cây cho người lao động ăn các bữa phụ. Công ty phối hợp cơ quan y tế tổ chức xét nghiệm hàng tuần cho lao động.
"Hơn 85% người lao động đồng ý ở lại đã giúp sản xuất của công ty không bị gián đoạn", ông Hùng nói và cho biết để đạt được kết quả này do nhà máy có sự chuẩn bị từ trước.
Các nhà máy ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) đang "chạy nước rút" bố trí cho lao động ăn ở tại chỗ. Điển hình như 200 kỹ sư Công ty FPT Software làm các dự án quan trọng phải ở lại ăn nghỉ, làm việc tại nhà máy. Khoảng 40 nhân viên kỹ thuật, vận hành tòa nhà, bếp ăn... cũng ở lại hỗ trợ hậu cần.
"Đa phần doanh nghiệp vài ngàn lao động phải thu hẹp sản xuất, chỉ duy trì từ 20-50% so với bình thường", bà Lê Bích Loan, Phó ban quản lý Khu công nghệ cao nói và cho biết hiện có hơn 20 nhà máy trên tổng số 80 nhà máy sẵn sàng thực hiện phương án "3 tại chỗ". Ban quản lý tiếp tục thẩm định kế hoạch cho các nhà máy.
Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) có hơn 250 doanh nghiệp, với tổng số 70.000 công nhân. Khi chính quyền quận 7 yêu cầu các nhà máy bố trí sản xuất, ăn nghỉ tại chỗ, khoảng 161 doanh nghiệp đăng ký thực hiện.
Hôm qua, UBND TP HCM có văn bản khẩn yêu cầu doanh nghiệp có phương án phải bảo đảm chỗ ăn nghỉ, sản xuất tại chỗ mới; lao động phải ở tập trung, có xe chở từ nơi ở đến sản xuất, mới được hoạt động. Những doanh nghiệp không đáp ứng được phải dừng hoạt động từ 0h ngày 15/7.
Động thái này được chính quyền thành phố đưa ra sau khi phát hiện nhiều ca nhiễm là lao động trong khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu công nghiệp. Điều này gây lo ngại nguy cơ dịch từ chỗ ở của công nhân vào nơi sản xuất. Dịch đã xâm nhập hầu hết khu công nghiệp ở thành phố. Nhiều nhà máy phát hiện hàng chục ca Covid-19 đã bị phong toả, dừng sản xuất.
Chiều 14/7, Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức cho biết thành phố đang xây dựng hệ thống để cùng các ban quản lý khu công nghiệp giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp. Quy định này cần được tuân thủ nghiêm nhằm "cắt đứt các chuỗi lây nhiễm của công nhân có mối liên hệ với nơi ở".
Nhà máy Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) với hơn 56.000 lao động; Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) với khoảng 10.000 lao động... đã dừng sản xuất khi không đáp ứng được quy định nói trên.
TP HCM hiện có 1,6 triệu công nhân làm việc trong các nhà máy. Liên đoàn lao động TP HCM cho hay tính đến ngày 7/7 đã có hơn 1.800 công nhân, lao động bị nhiễm Covid-19. Riêng Khu công nghệ cao phát hiện hơn 750 ca nhiễm, Khu chế xuất Tân Thuận có hơn 400 ca.
Lê Tuyết
Nguồn: https://vnexpress.net/nha-may-ung-pho-voi-yeu-cau-vua-san-xuat-vua-cach-ly-4309484.html